Ngày 10 tháng 7, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2018 (GII 2018). Đây là một chỉ số được WIPO đưa ra năm 2007 nhằm mục đích đánh giá về đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia theo cách toàn diện nhất.
Cách đánh giá truyền thống không phản ánh đúng nhiều mặt mức độ sáng tạo của quốc gia khi dựa trên số lượng tiến sĩ, số lượng bài báo nghiên cứu khoa học được công bố, bằng sáng chế, … Do vậy, GII không chỉ đánh giá dựa trên độ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học mà còn dựa trên chỉ số sáng tạo trong xã hội, trong các mô hình kinh doanh. Có thể nói GII chính là chỉ số hàng đầu trong việc đo lường hiệu suất đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia.
Tiếp cận đến năng lượng là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng sống, phát triển kinh tế, đồng thời cũng là một yếu tố để tiếp cận đến đổi mới sáng tạo. Do vậy, chủ đề thúc đẩy thế giới bằng đổi mới sáng tạo của GII 2018 là tập trung vào sự đối mới đang diễn ra trong lĩnh vực năng lượng trên toàn cầu.
Theo dự báo, trước năm 2040, thế giới sẽ cần năng lượng nhiều hơn 30% so với hiện nay. Tuy nhiên, việc tiếp cận đến vấn đề cung cấp năng lượng như hiện nay, đặc biệt ở các thành phố, không bền vững khi đối mặt với biến đổi khí hậu. Vì vậy, yêu cầu trước nhất là cần thay đổi sang phương pháp sản xuất năng lượng sạch hơn, hiệu quả hơn thông qua những nguồn năng lượng truyền thống cũng như mở rộng quy mô sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
GII 2018 được dựa trên 7 yếu tố lớn và 80 tiêu chí để đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia. Thụy Sĩ vẫn là quốc gia đứng ở vị trí số một với điểm số 68.40/100 và tỷ lệ hiệu quả ở mức rất cao (0.96). Trong mười quốc gia xếp hạng cao nhất, có 8 nước nằm ở châu Âu ngoại trừ Singapore và Mỹ.
Việt Nam xếp hạng 45 với 37.94 điểm, tỷ lệ hiệu quả là 0.8. Như vậy, so với năm 2017, Việt Nam đã tăng hai bậc. Việt Nam có nhiều tiêu chí được đánh giá là điểm mạnh như dòng tiền vào của đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng của tri thức, giá trị xuất khẩu của các sản phẩm công nghệ cao, phần trăm xuất khẩu các sản phẩm sáng tạo, … Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều điểm yếu như đầu tư của Việt Nam, mức độ cạnh tranh giữa các địa phương, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của ngành công nghệ thông tin và giao tiếp còn thấp cũng như phần trăm dành cho chi trả các tài sản trí tuệ không xác định được.
So với trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Singapore (6), Malaysia (35), Thái Lan (43), và trên các quốc gia khác được xếp hạng là Phillippines (73), Indonesia (85), Brunei (67), Campuchia (98).
GII 2018 ghi nhận sự tăng hạng của Trung Quốc. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc nằm trong top 20 quốc gia có chỉ số đổi mới sáng tạo lớn nhất toàn cầu, và là đại diện duy nhất trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình (middle-income) nằm trong top 20. Năm 2018, Trung Quốc được xếp hạng 17/126.
Các chỉ số của GII 2018 sẽ giúp cho các Chỉnh phủ, nền kinh tế đánh giá lại mức độ đổi mới sáng tạo của quốc gia cũng như điều chỉnh và cung cấp các biện pháp nhằm cải thiện nền kinh tế.
(Theo WIPO)