Trung Quốc vẫn được coi là nguồn hàng giả lớn nhất thế giới. Liệu rằng tình hình có được cải thiện? Chủ sở hữu có thể làm gì để tự bảo vệ mình?
Hàng giả không chỉ gây ảnh hưởng xấu cho thương hiệu mà nó cũng gây hại người mua. Tuy nhiên, vô số vật phẩm đang bị làm giả tại Trung Quốc, từ ma túy, điện tử đến quần áo, thậm chí cả tiền. Theo báo cáo, tiền giấy giả có mệnh giá 14 triệu nhân dân tệ (tương đương 33,2 triệu USD) mới bị thu giữ ở Trung Quốc.
Thời trang là một trong nhiều ngành được nhắm đến bởi những kẻ làm giả. Các đồ bị làm giả như túi xách, quần áo,… Những kẻ sản xuất hàng giả còn có thể làm giả thuốc hoặc công nghệ, các vấn đề phức tạp hơn. Theo Alan Chiu, đối tác công ty Ellalan có trụ sở tại Hồng Kông, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã làm cho các sản phẩm công nghệ như ứng dụng, phần cứng và phần mềm thường liên quan đến bản quyền và bằng sáng chế dễ bị làm giả hơn trước.
Sự thật về hàng giả ở Trung Quốc
Trung Quốc được Ủy ban châu Âu xác định là quốc gia có nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhất. Một báo cáo khác cho biết Trung Quốc là nguồn hàng giả chính được nhập khẩu vào EU.
Dược phẩm giả
Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm cho biết có 60% sản phẩm y tế giả đến từ Trung Quốc. Theo ước tính từ một cuộc khảo sát do nhóm tư vấn Chiến lược của Công ty kiểm toán PwC thực hiện, ít nhất 1% trong số tất cả các loại thuốc đang lưu hành là thuốc giả, con số có thể tăng lên 70% ở các khu vực đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng một nửa số thuốc được bán trực tuyến là hàng giả.
WHO tin rằng một triệu bệnh nhân tử vong hàng năm do dược phẩm giả độc hại, bao gồm hơn 450.000 ca tử vong vì sốt rét do thuốc giả không hiệu quả. Cũng như chi phí cho con người, khảo sát của PwC chỉ ra rằng các nhà sản xuất thuốc đang mất khoảng 230,8 tỷ đô la hàng năm.
Trung Quốc đang xử lý vấn đề dược phẩm giả bằng cách áp dụng hình phạt hình sự nghiêm khắc, tịch thu tài sản và thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các thủ phạm được xác định.
Biện pháp mạnh
Mặc dù Trung Quốc không được biết đến với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả, nhưng những năm gần đây đã có những tiến bộ đáng kể trong việc cắt giảm hàng giả.
Cụ thể, chính phủ Trung Quốc đã đặt sức ép rất lớn đối với các nền tảng thương mại điện tử lớn như Alibaba. Sự thành công phụ thuộc vào sự hợp tác của nhà cung cấp đó. Trong năm 2017, Alibaba đã đóng cửa 30.000 cửa hàng trực tuyến bán hàng giả.
Tuy nhiên, không dễ để xác định nguồn gốc của các sản phẩm giả với một quốc gia rộng lớn với dân số khổng lồ như Trung Quốc. Bởi lẽ các sản phẩm giả mạo thường được giấu kín và sản xuất tại các nhà máy ngầm, rất khó để bị phát hiện.
Biện pháp tích cực
Các chủ sở hữu hiệu thương hiệu ở nước ngoài ngần ngại trong việc kiện những kẻ vi phạm vì nhiều lý do như tính phổ biến của sản xuất hàng giả ở Trung Quốc, chi phí đáng kể liên quan đến bằng chứng nước ngoài, bồi thường thiệt hại tương đối thấp từ tòa án. Để bảo vệ thương hiệu, các chủ sở hữu có thể đăng ký tên miền và các từ khóa. Ghi lại các thương hiệu đã đăng ký với hải quan cũng được khuyến khích.
Việc phát triển và thực hiện chiến lược bảo vệ thương hiệu phải được chú trọng. Chính phủ bên cạnh việc khảo sát trực tuyến và trên thị trường thường xuyên cho hàng giả phải thiết lập ngân sách cho các vụ bắt giữ của hải quan và thực thi IP.
Trung Quốc đã thực hiện một bước đi đúng hướng bằng cách thiết lập tòa án internet đầu tiên trên thế giới ở Hàng Châu và thành lập các tòa án sở hữu trí tuệ chuyên biệt ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Chính phủ cũng đã tăng đáng kể chi phí vi phạm pháp luật, tăng số tiền bồi thường từ 500.000 nhân dân tệ (85.000 USD) lên 3.000.000 nhân dân tệ (500.000 USD).
Vấn đề Internet
Sự phát triển của internet đã khiến việc xác định danh tính thủ phạm thực sự trở nên khó khăn hơn. Nhờ internet, hàng giả được sản xuất tại một quốc gia có thể được vận chuyển và buôn bán đến người mua ở bất cứ đâu trên thế giới.
Trong bối cảnh thương mại điện tử và thị trường toàn cầu hóa, các trạm hải quan đóng một vai trò trung tâm trong việc ngăn chặn hàng giả trước khi rời khỏi đất nước thông qua các cuộc kiểm tra bắt buộc hoặc ngẫu nhiên. Việc này gặp khó khăn do mất thời gian và thiếu nhân lực.
Tương lai của hàng giả
Hàng giả ở Trung Quốc là một vấn đề với nguồn gốc phức tạp. Nhiều công nhân lành nghề và không có kỹ năng sẵn sàng hỗ trợ sản xuất, cho dù đó là hàng giả hay không. Điều này trở nên tồi tệ hơn khi người dân Trung Quốc có thu nhập tương đối thấp, tạo ra một nhu cầu mua hàng hóa giá rẻ mặc dù là hàng giả.
Tuy nhiên, khi tòa án, chính phủ và phương tiện truyền thông nỗ lực thống nhất để lên án hàng giả, sẽ có một thông điệp răn đe mạnh mẽ được gửi tới người tiêu dùng, làm giảm các hành vi mua hàng giả. Và nếu các nhà sản xuất có giáo dục và cố vấn chuyên nghiệp tốt hơn, họ có thể thấy nhiều cơ hội lâu dài hơn liên quan đến việc phát triển thương hiệu và dây chuyền sản xuất của riêng họ, chứ không cần phải sản xuất hàng giả.
Trần Ánh Tuyết (TBO)
Nguồn hình ảnh: ndh.vn