Nhãn hiệu nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung là một loại tài sản mang tính lãnh thổ, thể hiện ở việc chúng được bảo hộ ở quốc gia này nhưng có thể ở quốc gia khác thì không nếu chủ sở hữu không nộp đơn đăng ký. Đã có rất nhiều bài học xương máu của các doanh nghiệp Việt Nam bị người khác “nhanh tay” đăng ký nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ tại Việt Nam và có tiềm năng xuất khẩu ở thị trường nước ngoài, khi mà chủ sở hữu thực sự của nó chưa kịp có những kế hoạch bảo vệ mình phù hợp.
Có nhiều cách thức khác nhau đăng ký nhãn hiệu tại một vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam, tuỳ vào chiến lược kinh doanh của mình và cả kinh phí đầu tư để có thể lựa chọn cách thức phù hợp.
Đăng ký trực tiếp
Đăng ký trực tiếp được hiểu là chủ sở hữu nhãn hiệu (chủ đơn) nộp đơn trực tiếp tại cơ quan đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia sở tại, đơn được thẩm định theo thủ tục quy định tại quốc gia đó. Thông thường nếu chủ đơn không có hiện diện thương mại (chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty con) của mình tại quốc gia đăng ký thì phải uỷ quyền cho đơn vị được quyền đại diện nộp đơn tại quốc gia sở tại, các tổ chức như thế được gọi chung là IP Agent. Một điểm lưu ý tuyệt đối tránh uỷ quyền cho các đại lý, nhà phân phối sản phẩm của chủ đơn để hạn chế tình trạng bị chiếm đoạt nhãn hiệu. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ bắt buộc phải đăng ký theo con đường này là Đài Loan, Hongkong, Myanmar, …
Đăng ký gián tiếp
Đăng ký gián tiếp là đăng ký thông qua một hệ thống trung gian, áp dụng cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia cùng là thành viên của một điều ước quốc tế về đăng ký nhãn hiệu, cụ thể là Hệ thống Madrid. Hiện nay có khoảng hơn 100 quốc gia là thành viên của hệ thống này, trong đó hầu hết các thị trường chiến lược cho các sản phẩm của Việt Nam đều là thành viên, điều đó tạo cơ hội lớn cho chủ đơn khi đăng ký nhãn hiệu trên bình diện quốc tế.
Nếu lựa chọn đăng ký quốc tế cho nhãn hiệu thông qua hệ thống Madrid, chủ đơn phải nộp đơn tại một quốc gia thành viên (đơn gốc), từ đơn gốc chủ đơn nộp đơn tới WIPO và đưa ra chỉ định bảo hộ tại quốc gia thành viên. Một điểm bắt buộc khác, chủ đơn phải ủy quyền cho một IP Agent tại quốc gia gốc do tiến trình thông báo, chuyển tiền ra nước ngoài, báo cáo xác nhận đều phải tuân theo quy trình trong một thời gian ngắn, nếu bỏ lỡ thời gian, chủ đơn có thể sẽ không thể khôi phục được đơn ban đầu và mất quyền ưu tiên. Phí đăng ký theo cách thức này ngoài phí phải nộp tại quốc gia yêu cầu bảo hộ còn phải nộp một khoản phí trung gian cho WIPO, phí tại quốc gia gốc. Do vậy, để tiết kiệm chi phí chỉ khi đăng ký bảo hộ tại nhiều quốc gia một lúc thì chủ đơn mới nên lựa chọn cách này.

(Ảnh: Internet)
Đăng ký bảo hộ riêng tại các khu vực
Một số khu vực hoặc các tổ chức quốc tế có quy định riêng biệt về việc bảo hộ quyền SHTT cho các thành viên, ví dụ EU, hoặc châu Phi, … Chủ đơn có thể đăng ký nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng (Community Trademark, viết tắt là CTM) tại tất cả các quốc gia là thành viên của EU, chỉ cần một đơn duy nhất và thủ tục một lần thông qua Cơ quan Hài hoà hoá Thị trường nội địa châu Âu – OHIM. CTM không triệt tiêu việc bảo hộ nhãn hiệu riêng biệt tại một quốc gia thành viên EU.
Ở châu Phi cũng có một hệ thống tương tự là Tổ chức sở hữu trí tuệ Liên minh châu Phi OAPI.
Lợi ích của con đường đăng ký này là thủ tục nhanh gọn, ít tốn kém ít, phạm vi bảo hộ rộng trên nhiều quốc gia. Tuy nhiên, kèm theo đó là những rủi ro lớn, bởi giả sử một trong các quốc gia trong EU từ chối bảo hộ CTM thì lập tức CTM sẽ bị từ chối bảo hộ toàn bộ các quốc gia còn lại. Trong trường hợp đó, nếu muốn bảo hộ ở các quốc gia thuộc EU khác, chủ đơn phải biến đơn CTM thành đơn đăng ký quốc gia thông thường và nộp trực tiếp tại các quốc gia cần bảo hộ. Và tất nhiên, chi phí dành cho việc đăng ký bảo hộ sẽ cao hơn.
Việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo con đường nào, ở quốc gia nào phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của chủ đơn. Và trên con đường đó, vai trò của luật sư tư vấn rất quan trọng, bởi không chỉ đại diện họ sẽ đưa ra tư vấn theo con đường nào, phạm vi ra sao để có thể bảo vệ tối đa quyền của chủ đơn, tiết kiệm được công sức, thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp