Ngày 30 tháng 6 năm 2019, Scott Borchetta – CEO của hãng đĩa Big Machine Records (BMR) bán lại hãng đĩa này cho Scooter Braun – chủ sở hữu Ithaca Holdings với giá $300 triệu đô.
Thương vụ này ảnh hưởng vô cùng lớn đến nền công nghiệp âm nhạc nói chung, dòng nhạc đồng quê nói riêng, và đặc biệt nó còn ảnh hưởng đến Taylor Swift. Kể từ giờ, Scooter Braun chính là người toàn quyền sở hữu bản quyền của 6 album phòng thu trước của Taylor.
Năm 15 tuổi, Taylor Swift đã ký hợp đồng với BMR với điều khoản cho phép Big Machine sở hữu toàn bộ bản gốc album của cô. Về vấn đề bản quyền, với tư cách là nhạc sĩ sáng tác, Taylor vẫn giữ quyền sở hữu trí tuệ của bài hát (giai điệu/lời nhạc). Nhưng bản thu (master) thì thuộc sở hữu của hãng đĩa, có nghĩa là hãng đĩa được phép sở hữu các sản phẩm của cô trong khoảng thời gian kí hợp đồng. Đồng thời, hãng đĩa cũng sẽ được nhận một phần lợi nhuận lớn hơn từ doanh thu bán sản phẩm. Thực tế, các hãng đĩa rất hiếm khi cho phép nghệ sĩ sở hữu bản thu gốc của mình trừ một vài trường hợp nghệ sĩ có danh tiếng nhất định trong làng nhạc và có thể dựa vào đó để thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên, điều này thật thiếu công bằng khi các nghệ sĩ thường phải từ bỏ quyền sở hữu các bản thu âm gốc của mình vào tay các hãng đĩa vốn sẽ không chắc có giữ gìn chúng hay không. Bằng cách sở hữu các bản thu âm gốc, các nghệ sĩ sẽ giữ quyền quyết định sáng tạo và được phép phát hành sản phẩm theo cách mà họ muốn. Đồng thời, việc sở hữu bản thu âm gốc cũng sẽ mang lại nhiều quyền lực cho nghệ sĩ khi thoả thuận hợp đồng với các hãng đĩa mới.
Phản ứng lại việc Scooter Braunt mua lại BMR, Taylor Swift đã viết một bài tâm thư trên Tumblr. “Tôi chỉ biết việc Scooter Braun đã mua lại những sản phẩm âm nhạc của tôi khi tin này đã lan ra khắp thế giới, tất cả những gì tôi có thể nghĩ về việc này chỉ còn là sự ức hiếp, thao túng không ngừng nghỉ khi còn trong tầm tay ông ta (Scott Borcheta) suốt những năm rồi.”. Cô biết rằng BMR hoàn toàn có thể bị bán đi, cô đã cầu xin cho một cơ hội nhỏ nhoi được sở hữu nhạc của chính mình. Thay vào đó, cô lại bị yêu cầu ký tiếp hợp đồng và tiếp tục sáng tác album để sở hữu lại album.
Sau khi bức tâm thư được đăng tải, hàng loạt nghệ sĩ có tên tuổi đã lên tiếng ủng hộ Taylor Swift, ký tên kêu gọi cô tái phát hành 6 album cũ, đứng ra chỉ trích Scooter Braun. Tuy nhiên, vẫn có người lên tiếng đáp trả, nói rằng Taylor là “kẻ nói dối”.
Trước đấy, vào tháng 11 năm 2018, Taylor Swift chính thức rời Big Machine và gia nhập Universal Music Group với hy vọng một ngày nào đó cô có thể sở hữu bản thu gốc của mình nếu Universal mua lại Big Machine. Với tư cách là một hãng đĩa độc lập, Big Machine vẫn phải dựa vào những hãng đĩa lớn hơn để phân phối các sản phẩm, Universal là một trong số những hãng đĩa đó. Hợp đồng hiện tại giữa Taylor và Universal cho phép cô sở hữu bản gốc các sản phẩm của mình. Album “Lover” dự kiến được phát hành ngày 23 tháng 8 tới sẽ là sản phẩm duy nhất tính đến hiện tại Taylor Swift toàn quyền sở hữu.
Trần Thị Ánh Tuyết
Ảnh: Variety