Xây dựng các điều khoản SHTT chặt chẽ trong từng bước quản trị doanh nghiệp
Sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp
Trên thực tế, vì lý do kinh tế, nhiều người đã khởi nghiệp khi vẫn đang làm thuê cho doanh nghiệp khác. Điều này có thể trở thành “bẫy khởi nghiệp” liên quan đến SHTT. Một số doanh nghiệp sẽ yêu cầu nhân viên ký Thỏa thuận chuyển nhượng quyền SHTT, trong đó người lao động thừa nhận và đồng ý rằng bất kỳ ý tưởng và sáng chế mới do người lao động phát triển liên quan đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp đều thuộc sở hữu hoàn toàn của doanh nghiệp.
Trong trường hợp này, nhà sáng lập phải biết rõ những công việc, sản phẩm khởi nghiệp của mình được thực hiện ở đâu, khi nào, phải nắm vững quyền và nghĩa vụ vị trí việc làm của mình trong doanh nghiệp, bao gồm các nghĩa vụ liên quan đến chuyển nhượng quyền SHTT và không cạnh tranh. Xung đột nghĩa vụ có thể khiến quyền SHTT của start-up mới thành lập gặp rủi ro, vướng mắc.
Trong trường hợp có nhiều hơn một nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp (đồng sáng lập), các bên đồng sáng lập cần thống nhất các điều khoản về quyền SHTT ngay từ trước khi start-up hoạt động bằng văn bản có hiệu lực pháp lý. Nhà sáng lập cũng cần ghi chép cẩn thận thành biên bản cho các cuộc thảo luận phát triển ý tưởng hoặc cổ phần của start-up. Nếu một ý tưởng được gửi đi tìm kiếm tài trợ, tốt hơn hết là giữ một bản sao bởi các nhà đầu tư có thể cần đến thông tin đó. Bên cạnh đó, trong trường hợp các nhà đồng sáng lập không còn làm việc cùng nhau, các bên cũng cần quy định rõ ràng quyền sở hữu đối với từng với ý tưởng bằng văn bản.
Đối với hoạt động tuyển dụng
Start-up phải hết sức cẩn trọng khi tuyển dụng nhân viên mới, đặc biệt là người từ các đối thủ cạnh tranh, tránh bị khởi kiện việc doanh nghiệp mình đang sử dụng thông tin bảo mật và độc quyền của các doanh nghiệp khác. Vì thế, trong quá trình tuyển dụng, cần đảm bảo ứng viên không bị ràng buộc bởi một thỏa thuận không cạnh tranh (không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh); yêu cầu ứng viên chứng minh rằng họ không mang theo bất kì tài liệu, thông tin bảo mật hoặc độc quyền của bên tuyển dụng trước đó; yêu cầu nhân viên mới cam kết không sử dụng bất kì thông tin bảo mật hoặc độc quyền của bên thứ ba.
Đối với hoạt động tài trợ, tư vấn
Nhiều hoạt động tài trợ, tư vấn khác nhau có thể đóng góp tài sản trí tuệ cho start-up. Điều quan trọng là xác định rõ ai sở hữu cái gì. Một start-up nên thực hiện các bước dưới đây để chắc chắn có được quyền SHTT cần thiết cho hoạt động kinh doanh của mình:
• Bất kì tài sản trí tuệ nào được tạo ra trước khi thành lập phải được chuyển giao cho doanh nghiệp thông qua một thỏa thuận bằng văn bản. Thông thường, việc chuyển giao diễn ra để đổi lấy cổ phần trong doanh nghiệp hoặc thành tiền.
• Tất cả nhân viên phải kí các thỏa thuận về Chuyển nhượng quyền SHTT. Thỏa thuận này yêu cầu Chuyển nhượng quyền SHTT như điều kiện tuyển dụng.
• Tất cả các nhà tư vấn/ nhà thầu độc lập nên kí thỏa thuận nêu rõ nghĩa vụ chuyển giao tài sản trí tuệ mà họ phát triển cho doanh nghiệp.
• Bất kì đối tác kinh doanh nào hoặc nỗ lực phát triển chung đều phải nêu rõ quyền sở hữu của các đối tác kinh doanh, bao gồm quyền sở hữu trong nỗ lực phát triển chung.
Các thỏa thuận này cũng phải yêu cầu những điều sau:
• Cam kết những thông tin bảo mật của doanh nghiệp chỉ được sử dụng vì lợi ích của doanh nghiệp;
• Cam kết không tiết lộ mọi liên quan đến thỏa thuận việc làm và hoạt động của doanh nghiệp;
• Tuyên bố về quyền sở hữu đối với các ý tưởng trong quá trình làm việc.
Xây dựng chiến lược đăng ký bảo hộ quyền SHTT hiệu quả
Đánh giá tài sản trí tuệ cốt lõi của start-up
Vì lý do tài chính, nhiều start-up rơi vào cảnh mất quyền SHTT do bỏ qua việc đăng ký bảo hộ. Do đó, các start-up cần xác định được mình có tài sản trí tuệ nào, cần thống kê, phân loại và tùy từng đối tượng tài sản trí tuệ mà thực hiện biện pháp bảo mật hoặc đăng ký xác lập quyền phù hợp. Đánh giá này rất hữu ích trong việc kêu gọi nguồn vốn và có thể rất quan trọng trong việc bảo vệ các tài sản cốt lõi của start-up.
Hiểu rõ và bảo vệ được tài sản trí tuệ của start-up là vấn đề rất quan trọng đối với các nhà đầu tư và bên mua. Những tài sản này thường cần được tiết lộ thông qua “Thỏa thuận bảo mật”. Start-up cần lưu lại các bản sao có liên quan đến tài sản trí tuệ, bao gồm:
• Các bằng độc quyền sáng chế và đơn xin cấp bằng sáng chế
• Thỏa thuận Chuyển nhượng quyền SHTT với nhân viên và chuyên gia tư vấn
• Thương hiệu và nhãn hiệu dịch vụ
• Bí mật thương mại và độc quyền
• Giấy phép chuyển giao quyền sử dụng/thỏa thuận chuyển nhượng công nghệ từ bên thứ ba đến doanh nghiệp giao dịch
• Giấy phép chuyển giao quyền sử dụng/thỏa thuận chuyển nhượng công nghệ từ doanh nghiệp giao dịch đến các bên thứ ba
• Phần mềm và cơ sở dữ liệu
• Các hợp đồng về việc bồi thường của bên thứ ba liên quan đến các vấn đề SHTT
• Phần mềm có mã nguồn mở sử dụng trong sản phẩm và dịch vụ
• Khiếu nại về xâm phạm quyền SHTT, bao gồm các vụ kiện hoặc trọng tài về SHTT
• Danh sách tên miền
• Các khiếu nại, tranh chấp về SHTT.
Đăng ký sáng chế cần hiệu quả và tiết kiệm
Bằng độc quyền sáng chế có thể xem là tài sản giá trị nhất của một start-up. Bằng độc quyền sáng chế chủ yếu mang lại lợi ích tấn công đối thủ cạnh tranh (chiến lược đăng ký sáng chế tấn công), tuy nhiên thực tế còn mang lại nhiều lợi ích phòng vệ khác. Với lợi ích phòng vệ này, sáng chế có tác dụng giống như một chiếc khiên trước các đối thủ cạnh tranh, bảo vệ sản phẩm quan trọng nhất của doanh nghiệp khỏi sự bắt chước và bảo vệ doanh nghiệp trong các vụ kiện về xâm phạm độc quyền sáng chế.
Với một start-up công nghệ, xây dựng một danh mục độc quyền sáng chế rất mất thời gian, tốn kém và không chắc sẽ thu hồi vốn trong thời gian ngắn. Việc nộp nhiều đơn đăng ký bảo hộ độc quyền sáng nhưng chất lượng đơn kém sẽ không đem lại giá trị gì cho start-up. Cách tốt nhất là theo đuổi đơn sáng chế liên quan trực tiếp đến giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, tìm hiểu kĩ về một sản phẩm cạnh tranh để tránh việc bị doanh nghiệp khác xâm phạm quyền.
Bên cạnh đó, xây dựng một chiến lược SHTT mang tính toàn cầu, kể cả là trong giai đoạn đầu, là một điều đáng xem xét và quan trọng cho các start-up. Khi một start-up bắt đầu mở rộng ra thị trường quốc tế, đó là lúc họ gặp khó khăn ở các thị trường quan trọng mà không có sự bảo hộ độc quyền. Do đó, nhà sáng lập cần tham vấn ý kiến luật sư về bảo hộ quốc tế ngay từ bước nộp đơn bảo hộ trong nước.
Đăng ký nhãn hiệu dễ nhớ và độc đáo
Các start-up đôi khi cho rằng bảo vệ bằng sáng chế là cách duy nhất để bảo vệ chính mình. Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thường bỏ qua giá trị của tài sản trí tuệ không có bằng sáng chế. Bí mật thương mại, chính sách an ninh mạng, nhãn hiệu và bản quyền đều có thể xem là các dạng tài sản trí tuệ có thể được bảo vệ.
Trong đó, nhãn hiệu của doanh nghiệp có giá trị rất lớn trên thị trường. Đăng ký nhãn hiệu được xem là tương đối hiệu quả về chi phí. Ngoài việc ngăn các các đối thủ cạnh tranh chiếm và sử dụng tên doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu sẽ giúp các doanh nghiệp mới xây dựng nhãn hiệu dễ nhận biết mà độc đáo, thúc đẩy sự hiện diện của doanh nghiệp khởi nghiệp trên thị trường. Để tránh gặp rắc rối khi về đặt tên nhãn hiệu, start-up có thể áp dụng một số cách sau:
• Tra cứu trên Google để biết nhãn hiệu mà các doanh nghiệp khác đang dùng;
• Tra cứu trên các cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu của các cơ quan SHTT;
• Tra cứu trên các cơ sở dữ liệu về tên miền;
• Hãy đảm bảo cái tên đặc biệt và dễ nhớ;
• Có thể thuê luật sư về SHTT tìm kiếm nhãn hiệu phù hợp;
• Suy nghĩ về nghĩa quốc tế của nhãn hiệu.
Công ty trò chơi CocoNut (Mỹ) là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến. Không giống như nhiều công ty mới thành lập, CocoNut đã đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ngay khi sản phẩm còn là ý tưởng. “ScaryCats” là tên trò chơi có bằng nhãn hiệu độc quyền, có doanh số bán hàng tăng trưởng đều đặn hàng năm. Sau vài năm có mặt trên thị trường, Hollywood Studio đã liên hệ với CocoNut để được phép sử dụng nhãn hiệu này. Ngoài ra, khi nghiên cứu nhãn hiệu “Super Granny”, phòng Pháp chế của CocoNut đã phát hiện một công ty trò chơi có tên DoNut đã có bằng độc quyền với nhãn hiệu “Granny 3D”. CocoNut đã liên hệ với DoNut về ý định nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho Super Granny và được DoNut chấp nhận do sản phẩm mà hai công ty cung cấp không giống nhau và không có khả năng gây nhầm lẫn trong tâm trí người tiêu dùng .
Ngay sau đó, CocoNut đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Super Granny” tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO). Tuy nhiên, thẩm định viên USPTO đã từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu của CocoNut với lý do có khả năng người tiêu dùng sẽ nhầm lẫngiữa “Super Granny” của CocoNut và Granny 3D của DoNut, bất kể hai bên có thỏa thuận hay không. CocoNut tiếp tục theo đuổi việc đăng ký nhãn hiệu Super Granny bằng cách đệ đơn kháng nghị với Hội đồng xét xử và kháng cáo về nhãn hiệu Mỹ (TTAB).
Bản kháng nghị của CocoNut đã chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa hành vi mua sắm của người tiêu dùng để giải trí bằng trò chơi điện tử trực tuyến thông thường (Super Granny) và hành vi mua sắm của nhà phát triển chuyên nghiệp hoặc nghệ sĩ đối với một công cụ cụ thể sẽ hỗ trợ người dùng phát triển trò chơi điện tử (Granny 3D). Sau đó, CocoNut đã được đăng ký nhãn hiệu Supper Granny của mình.
Có thể nhận thấy, ngay cả khi USPTO từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu, đội ngũ pháp lý nội bộ CocoNut đã có hiểu biết sâu sắc về sở hữu trí tuệ nên họ vẫn có thể nộp Đơn khiếu nại kịp thời cho TTAB để đảm bảo các quyền SHTT của mình. Ở đây, CocoNut đã thành công vì công ty có thể xác định rằng hai sản phẩm được xác định bằng các nhãn hiệu tương ứng là không giống nhau và chúng nhắm mục tiêu đến hai nhóm người tiêu dùng rất khác nhau. 1
Hiện nay, bảo vệ quyền SHTT cũng quan trọng không kém việc phát triển sản phẩm hay kêu gọi vốn đầu tư đối với start-up. Bởi lẽ, các nhà đầu tư khó quyết định rót vốn vào những sản phẩm rủi ro khi biết nó có thể bị làm nhái, làm giả. Thời điểm thuận lợi nhất để startup quan tâm và chú trọng đến SHTT là ngay khi mới nhen nhóm, hình thành ý tưởng kinh doanh. Các đối tượng của quyền SHTT có thể được tạo ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình kinh doanh của startup. Vì vậy, khi bắt đầu tiến hành kinh doanh, hợp tác, kết nối đầu tư startup cần nhận biết được đối tượng SHTT nào có khả năng sẽ được tạo ra, quyền sở hữu và cách thức bảo vệ từng loại đối tượng SHTT tương ứng.
————————————
1Lược dịch từ “Ví dụ điển hình về sở hữu trí tuệ – Những điều cần lưu ý về nhãn hiệu đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp” tại http://www.teqlaa.com/wp-content/uploads/2016/09/IP.pdf