Đầu năm 2014, giới công nghệ Việt Nam “xôn xao” với sự kiện Flappy Bird khi game này liên tục đứng đầu bảng xếp hạng được tải nhiều nhất tại hơn 100 quốc gia với hơn 50 triệu lượt tải về. Đi cùng với nó, Nguyễn Hà Đông tác giả của Flappy Bird đã thu được số tiền ước tính lên 50 ngàn USD mỗi ngày. Tuy nhiên, Nguyễn Hà Đông bị cáo buộc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác, Flappy Bird không có tính nguyên gốc khi trò chơi này tương tự với các games khác đã xuất hiện trên thị trường. Cụ thể, Flappy Bird bị Kotaku (một blog chuyên về video game) cáo buộc tương tự về mặt hình ảnh với game Super Mario của Nitendo từ cảnh vật trong trò chơi, ống cống màu xanh và tạo hình con chim, và tương tự với Pious Pious vs. Cactus về cách chơi. Sau hơn một tháng nổi tiếng kèm theo những cáo buộc, ngày 10/02/2014 Nguyễn Hà Đông đã gỡ Flappy Bird xuống với lý do không liên quan đến pháp lý hay bản quyền. Mặc dù đã gỡ game Flappy Bird khỏi app store nhưng chuyện bản quyền của Flappy Bird vẫn là câu chuyện rất nóng trên các diễn đàn. Stephen Totilo – giám đốc điều hành của Kotaku đã đưa ra lời xin lỗi chính thức với Nguyễn Hà Đông. Cũng trong ngày 10/2/2014, đại diện của Nitendo, đơn vị được cho là bị Nguyễn Hà Đông xâm phạm bản quyền, lại tuyên bố trên The Wall Street Journal rằng
“không có bất kỳ sự than phiền nào về Flappy Bird”.
Đối với các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ được coi là thành tố quan trọng trong việc tạo nên thành công. Thậm chí mô hình, chiến lược kinh doanh đều dựa trên nền tảng tài sản trí tuệ. Do vậy, việc xác định đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi mỗi loại tài sản trí tuệ có cách thức xác lập quyền khác nhau, cách thức bảo vệ khác nhau và đặc biệt là cách khai thác giá trị thương mại của quyền sở hữu trí tuệ cũng khác nhau.
Các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nói chung được chia làm hai nhánh chính, quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Nhánh bản quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Các đối tượng này được bảo hộ dù được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, không phụ thuộc vào nội dung (hay hoặc dở), đã công bố hay chưa công bố, có đăng ký hay không. Việc phổ biến các tác phẩm văn học và nghệ thuật tới công chúng là một cách thức để tạo giá trị cho các tài trí tuệ, do vậy các cách thức truyền đạt đến công chúng cũng được pháp luật bảo hộ dưới dạng là quyền liên quan đến quyền tác giả, như các chương trình biểu diễn của nghệ sỹ, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Giống như các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học, quyền liên quan cũng được bảo hộ kể từ thời điểm chúng được định hình hoặc thực hiện mà không phân biệt vào việc đăng ký.
Đa số các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ phải được đăng ký, tức là phải có một cơ quan có thẩm quyền đăng ký bởi việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là bảo hộ chính các ý tưởng sáng tạo không phải bảo hộ hình thức thể hiện của chúng. Đối tượng điển hình của quyền sở hữu công nghiệp là sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, những đối tượng mang hàm lượng sáng tạo cao nhất. Trong khi sáng chế là các giải pháp kỹ thuật mới được thể hiện dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình thì kiểu dáng công nghiệp là các giải pháp thẩm mỹ xác định hình dạng bên ngoài của sản phẩm và phải gắn với một sản phẩm cụ thể. Các chỉ dẫn thương mại bao gồm nhãn hiệu hàng hoá hoặc dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh cho dù hàm lượng sáng tạo của các đối tượng này không cao nhưng vẫn được bảo hộ là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp do những dấu hiệu được chuyển tải tới người tiêu dùng, bảo đảm rằng các sản phẩm mà người tiêu dùng đã mua và sử dụng có nguồn gốc và chất lượng rõ ràng không mang hàm ý lừa dối.
Các phát minh khoa học không được bảo hộ với danh nghĩa là một sáng chế, chúng là “việc phát hiện ra hiện tượng, các đặc tính hay quy luật của thế giới vật chất cho đến nay chưa được phát hiện và có thể kiểm chứng” (theo Công ước WIPO). Sở dĩ không được bảo hộ là sáng chế do các phát minh là quy luật tự nhiên, nó vẫn tồn tại độc lập với việc người ta có phát kiến ra hay không. Việc ứng dụng các phát minh khoa học để tạo ra một giải pháp kỹ thuật cụ thể giải quyết vấn đề cụ thể sẽ được bảo hộ sáng chế mà các phát minh đó không nhất thiết phải mới được phát hiện. Tất nhiên, các phát minh khoa học sẽ được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả nếu chúng được định hình dưới hình thức vật chất cụ thể.
Pháp luật các quốc gia khác nhau có những cơ chế khác nhau để bảo vệ các sản phẩm của quá trình đổi mới sáng tạo, ví dụ chương trình máy tính. Trong khi Mỹ bảo hộ các chương trình máy tính dưới dạng là sáng chế thì pháp luật Việt Nam (đa số các quốc gia khác cũng quy định như vậy) cho phép bảo hộ chương trình máy tính như một tác phẩm văn học cho dù thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Điều này hoàn toàn được thừa nhận theo Công ước Paris, cho dù cơ chế thực thi có thể khó khăn về mặt thực tế.
Khác với tài sản mang tính vật chất, tài sản trí tuệ có những giới hạn rất cụ thể. Về mặt không gian, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia (chủ thể mang quốc tịch hoặc tác phẩm được công bố). Về mặt thời gian, để đảm bảo sự công bằng thúc đẩy sự phát triển xã hội, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ trong một thời hạn cụ thể, hết thời hạn bù đắp chi phí và khai thác lợi ích kinh tế từ tài sản trí tuệ, tài sản trí tuệ thuộc về công chúng ai cũng có thể dễ dàng sử dụng và khai thác thương mại. Tất nhiên, có những trường hợp ngoại lệ ví dụ như nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý chúng sẽ được bảo hộ vô thời hạn cho đến chừng nào mà
chủ sở hữu còn gia hạn hiệu lực hoặc các điều kiện đảm bảo tính đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý còn tồn tại.
Với sự khác nhau như vậy về các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong cách thức xác lập và khai thác giá trị thương mại của loại tài sản này, nên đòi hỏi các doanh nghiệp khởi nghiệp phải định danh rất rõ ràng các tài sản trí tuệ mà mình đưa ra kinh doanh. Sự xác định này sẽ hạn chế các rủi ro về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ có thể phát sinh trong tương lai và đảm bảo cho doanh nghiệp yên tâm kinh doanh và đầu tư phát triển.
TamTran (IP Attorney)