NFT là một thuật ngữ không còn xa lạ trong giới công nghệ và tài sản số khi mà nó luôn luôn đạt được những giá trị đặc biệt, NFT dòng tweet đầu tiên của CEO Twitter Jack Dorsey được bán với giá trị 2,5 triệu USD, NFT cho chiếc meme chú mèo cầu vồng (Nyan Cat) mang về cho chủ nhân của nó, Chris Torres hơn 300 ETH tương đương với hơn 1 triệu USD tại thời điểm bán, NFTs cho những tác phẩm của nhạc sĩ Grimes được định giá lên tới hơn 6 triệu USD. Tại Việt Nam, vào tháng 8 năm 2021, giới mỹ thuật và công nghệ xôn xao bởi bức tranh “Hoa mai may mắn” của họa sĩ nhí Xèo Chu (sinh năm 2007) bán với giá 23.000 USD trên sàn Binance NFT.
Vậy NFT thực sự là gì? Và NFT có liên quan gì với sở hữu trí tuệ?
NFT (non – fungible token) là gì?
NFT là một trong các ứng dụng của chuỗi khối (blockchain). Một trong những ứng dụng lớn nhất của công nghệ lõi của chuỗi khối chính là vật phẩm hóa (tokenization) các tài sản cá nhân trở thành một đơn vị có giá trị trong môi trường chuỗi khối. Các tài sản đưa lên chuỗi khối được phân loại thành 2 dạng:
- Fungible goods: các sản phẩm, hàng hóa có thể thay thế và trao đổi được, ví dụ như tiền, bạc, vàng, dầu hay thậm chí là ngũ cốc được triển khai mã thông báo bằng cách sử dụng tiêu chuẩn ERC-720.
- Non-fungible goods: các sản phẩm, hàng hóa không thể thay thế bởi chúng là nguyên bản, chỉ có một như các bức tranh, bài hát, ảnh chụp, video, … Những hàng hóa loại này sử dụng mã thông báo ERC-721.
Do vậy, có thể hiểu NFT (non – fungible token) là một loại tài sản cá nhân số, là vật phẩm đại diện cho các sản phẩm, hàng hóa nguyên bản, mà nổi bật nhất là các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật.
Về mặt kỹ thuật, dạng NFT phổ biến là một tệp siêu dữ liệu (metadata file) chứa toàn bộ thông tin về tác phẩm gốc đã được mã hóa hay vật phẩm hóa trên blockchain (tokenized) với cấu trúc bao gồm 2 thành phần chính là tokenid (được tạo ra cùng với token, hãy tưởng tượng đây là vân tay của token) và contract address là địa chỉ để giúp các token này có thể được xem và trao đổi giữa những người dùng blockchain, đồng thời bao gồm nhiều thông tin quan trọng như tác giả hay địa chỉ ví trên blockchain của tác giả, …). Sự kết hợp của các yếu tố này làm cho NFT đó trở thành duy nhất và không thể sao chép hay thay thế được. Vì thế, NFT là sản phẩm nguyên bản, không thay thế được. Và bất kỳ sản phẩm gì có thể số hóa được đều có thể trở thành một NFT.
NFT và bản quyền
Trên thực tế, sản phẩm gốc cũng chỉ cần thiết trong giai đoạn đầu tiên để tạo ra token ID và contract address, từ đó tạo thành một NFT hoàn chỉnh. Vì vậy, về mặt lý thuyết, bản quyền không có quá nhiều tác động tới NFT mà NFT có thể sẽ góp phần làm cho môi trường trao đổi, khai thác, sử dụng các tài sản trí tuệ dần trở nên minh bạch, rõ ràng do đặc tính của NFT là duy nhất, không thể sao chép đặc biệt là những tài sản trí tuệ đang được sử dụng dưới dạng số hóa.
Dẫu vậy, hiện tại, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến NFT từ góc độ bản quyền, một phần là do rất nhiều tác phẩm đang được mua bán dưới dạng NFT, mặt khác là bởi sự thiếu rõ ràng về những gì người mua nhận được khi mua một NFT.
NFT và nhầm lẫn phổ biến
Với NFT, một trong những nhầm lẫn phổ biến nhất đó chính là việc một số người mua nghĩ rằng mua NFT của tác phẩm đồng nghĩa với việc mua lại cả tác phẩm gốc. Tuy nhiên, trên thực tế, người mua chỉ đơn giản là mua được file siêu dữ liệu của tác phẩm gốc, hiểu đơn giản hơn là mã code riêng của tác phẩm, chứ không phải cả tác phẩm nguyên gốc.
Sự nhầm lẫn này còn càng trở nên phổ biến hơn bởi sự thiếu hụt nhận thức về bản chất của NFT và ngay cả khi có hiểu, cũng thật sự khó có thể tin rằng một vài dòng mã code như vậy có thể được định giá tới triệu USD.
Bên cạnh những nhầm lẫn về NFT, NFT cũng có những ứng dụng, tiềm năng đồng thời cả những rủi ro liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ như:
NFT giúp quản lý bản quyền kỹ thuật số:
Trong khi hầu hết các NFT không liên quan đến việc chuyển nhượng quyền, trong một số trường hợp, người bán đề nghị biến NFT thành một chuyển giao quyền sở hữu bản quyền thực tế đối với tác phẩm gốc. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá xem điều này có tuân thủ các thủ tục pháp lý cần thiết để chuyển giao bản quyền hay không. Ví dụ: ở Vương quốc Anh, việc chuyển giao bản quyền theo Đạo luật Bản quyền Thiết kế và Bằng sáng chế 1988 (CDPA) yêu cầu một văn bản về chuyển nhượng bản quyền mà “được ký bởi hoặc thay mặt cho người chuyển nhượng”. Điều này có thể nói là tương đối khó đối với NFT với bản chất chỉ là những file siêu dữ liệu.
NFT hoạt động như một loại giấy phép tự động:
Một trong những ứng dụng của blockchain có thể kể đến smart contract với tính năng nổi bật nhất bao gồm cho phép những người tham gia nền tảng blockchain có thể trực tiếp thanh toán, chuyển tiền mà không cần thông qua một trung gian tài chính thứ bs. Về mặt bản chất, smart contract có thể được hiểu như một sự thỏa thuận giữa hai bên, thỏa thuận này được lưu trên blockchain và không thể chỉnh sửa được. Qua đó, việc tạo ra một smart contract dưới định dạng một NFT là hoàn toàn có thể, tạo điều kiện cho việc sử dụng sản phẩm của người khác một cách thuận tiện và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các nền tảng blockchain hiện tại đều chưa áp dụng phương pháp này.
NFT bị sử dụng để xâm phạm bản quyền:
Hiện tại, đã xuất hiện các tình trạng các bức tranh kỹ thuật số được các nhà sáng tạo đăng lên facebook, blog cá nhân bị kẻ xấu ăn cắp, biến thành một NFT (NFT minting*) và trục lợi bất chính. Vụ việc càng trở nên phức tạp hơn, bởi lẽ, NFT về mặt bản chất nhất cũng chỉ là những file dữ liệu của tác phẩm gốc, chứ không phải một phần hay toàn bộ tác phẩm gốc và việc tạo ra và sử dụng các dữ liệu này hoàn toàn không xâm phạm các tác phẩm nguyên gốc. Do vậy, việc tạo ra các NFT từ các sản phẩm khó có thể được coi là hành vi xâm phạm bản quyền. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những hoạt động như trên được dễ dàng bỏ qua, hiện tại, công ty sản xuất Miramax đã đệ đơn kiện lên đạo diễn phim Quentin Tarantino vì vi phạm nhãn hiệu (trademark infringement), vi phạm bản quyền và vi phạm hợp đồng về kế hoạch bán NFT dựa trên bộ phim Pulp Fiction do chính ông làm đạo diễn.
Hiện tại, các nền tảng có ứng dụng công nghệ chuỗi khối vẫn đang cố gắng đưa ra những chế tài, biện pháp để tạo ra một môi trường sáng tạo bền vững, giảm thiểu các hành vi vi phạm bản quyền, thúc đẩy các nhà sáng tạo tự tạo ra các NFT của chính bản thân mình. Dẫu vậy, với tốc độ phát triển của chuỗi khối nói riêng và công nghệ số nói chung gây không ít khó khăn cho các nhà lập pháp khi phải kịp thời cập nhật công nghệ để đưa ra các quy định điều chỉnh phù hợp.
Nguồn: WIPO
Biên soạn: Doãn Đức