Công nghệ AI – Artificial Intelligence – đã không còn là một thuật ngữ xa lạ đối với tất cả chúng ta. Và gần đây sự hiện diện của Sofia, cô người máy đầu tiên được cấp quyền công dân, đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành công nghệ này. David Hanson, “người cha” của Sofia, đồng thời là CEO và người sáng lập ra Hanson Robotics, chia sẻ suy nghĩ của ông về tương lai của ngành công nghệ AI:
Điều gì đã khiến ông quan tâm đến ngành công nghệ Robot ?
David Hanson: “Tôi luôn nghĩ về câu hỏi “Sẽ thế nào nếu?”, và những ý tưởng cứ thế nảy sinh từ nó. Tất cả sáng tạo hay đổi mới đều là việc biến điều không thể thành có thể, và công nghệ AI cũng thế. Tôi chế tạo robot dạng người đầu tiên vào đầu những năm 1990, và việc trải qua rất nhiều khóa học và công việc liên quan đến công nghệ robot càng làm tôi hứng thú.”
Ông có thể cho chúng tôi biết thêm về Sofia không ?
“Sofia là cô robot với cấu tạo phức tạp nhất với công nghệ AI tiên tiến nhất. Mất khoảng 8 năm để Sofia có khả năng thay đổi nét mặt theo cảm xúc như con người, và sẽ còn lâu hơn để Sofia có thể có những cử chỉ thông minh hay thể hiện sự đồng cảm với con người. Hiện nay chúng tôi dùng Sofia trong một số hoạt động liên quan đến nghiên cứu và phát triển, nghiên cứu về quá trình nhận thức và thậm chí là phương pháp trị liệu cho con người.”
Ông có những nhận định gì về tương lai ?
“Tôi muốn hợp tác với mọi người để có thể khai phá toàn bộ tiềm năng của công nghệ AI bằng cách tạo ra những robot với khả năng thậm chí còn hơn cả con người, hay nói cách khác là những siêu trí tuệ. Chính vì thế ở Hanson Robotics, chúng tôi cố gắng mô phỏng chính xác nhất cuộc sống với siêu trí tuệ thông qua việc tạo ra một mạng lưới AI với nhận định rằng đó sẽ chính là cái cốt lõi của nền kinh tế thế kỉ 21.”
Ông có thể cho chúng tôi biết thêm về “siêu trí tuệ” không?
“Đó là những cỗ máy với trí tuệ siêu phàm có khả năng giải quyết những vấn đề khó nhất của thế giới như nghèo đói, năng lượng hay giáo dục. Con người đã và đang sử dụng máy móc làm công cụ để phát triển trí thông minh của bản thân. Cụ thể chính là việc sử dụng công nghệ máy tính và AI để phát hiện ra những chuỗi thông tin có thể được sử dụng để dẫn đến những kết quả tốt hơn, điển hình là việc phát hiện ra giống cây trồng mới hay phương pháp phát hiện bệnh hiệu quả hơn.”
Vậy “mạng lưới AI” mà ông có nhắc đến là gì vậy ?
“Bằng cách tổ chức lại hệ thống máy tính để tạo nên một mạng lưới các siêu trí tuệ, chúng ta có thể tìm hiểu rõ hơn về bản chất của cuộc sống và áp dụng nó để xây dựng thế giới. Đó chính là mục đích của SingularityNet, một sản phẩm mà tôi cùng cố vấn khoa học Ben Goertzel và chuyên gia blockchain Simone Giacomelli tạo ra. Hệ thống này là phương tiện hoàn hảo để tạo ra và thu thập tài sản trí tuệ thông qua việc theo dõi những đóng góp mà con người và người máy tạo ra, qua đó có những chính sách đối đãi phù hợp.”
Tại sao Robot lại cần phải có hình dáng mô phỏng con người?
“Con người là ví dụ điển hình của trí thông minh trong vũ trụ. Nghiên cứu về con người giúp chúng ta phát triển những giả thuyết, hình mẫu cho trí thông minh. Hơn nữa, chúng ta cần tạo dựng một mối quan hệ tích cực với các người máy siêu trí tuệ thông qua sự đồng cảm, tôn trọng và niềm tin, và sẽ dễ dàng để đạt được điều đó hơn khi họ có hình dáng như con người. Không chỉ có vậy, việc có cơ thể với cấu trúc con người có thể khiến các siêu trí tuệ học và phát triển như chúng ta, qua đó giúp ta hiểu biết hơn về vũ trụ.”
Làm thế nào mà ông có thể đưa những giá trị tốt đẹp vào trong máy móc?
“Chúng tôi phải thiết kế những cỗ máy với giá trị bên trong và dạy chúng những điều tốt nhất để tạo ra những ảnh hưởng có giá trị tích cực và lâu dài đối với đời sống con người. Nếu như theo sát mục tiêu đó, tôi tin chúng ta có thể đạt được một trao đổi mà đôi bên cùng có lợi, qua đó biến hành tinh chúng ta thành một nơi đáng sống hơn.”
Ông nghĩ gì về sự tồn tại của những lỗ hổng trong các thuật toán?
“AI học những gì mà chúng ta dạy. Chính vì thế, để đạt được hiệu quả cao nhất thì cần phải có một mức độ cẩn thận nhất định khi đưa những thông tin vào AI.”
Vậy ý kiến của ông về việc sở hữu trí tuệ là gì?
“Chúng tôi sẽ đi theo chính sách 70:30, tức là giữ 70% cho tất cả mọi người và chỉ đăng kí bảo hộ 30%.”
Vậy những bước tiếp theo của ông là gì?
“Chúng tôi đang tập trung về vấn đề quy mô của giự án. Với nguồn lực hiện có, điều đó sẽ hoàn thành nhanh chóng mà thôi. Sau đó, chúng tôi có thể cần nguồn nhân sự để phát triển dự án của mình.”
Tạ Tuấn Cường (Theo WIPO)
Nguồn hình ảnh: Pixabay