Sáng ngày 24 tháng 4 năm 2019, trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và Trường Đại học Ngoại thương với sự hỗ trợ của IPCom Việt Nam và Báo Điện tử VietnamPlus đã tổ chức Khóa đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng và sở hữu trí tuệ (Khóa TOT).
Thực tế cho thấy, khởi nghiệp kinh doanh đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang là xu hướng của kỷ nguyên của thông tin và toàn cầu hóa. Sự phát triển của các trường giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với quyền sở hữu trí tuệ giống như hạt nhân của khoa học và công nghệ và việc vận dụng kiến thức có thể đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia.
Khóa TOT được tổ chức dành cho cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức giáo dục của Việt Nam nhằm mở rộng, phát triển nhân lực là giảng viên nguồn cho chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, kết nối các trường với các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ khai giảng khóa học, PGS. TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng “Trong rất nhiều các lý do được đưa ra và lý giải tại sao các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa thành công như không nghiên cứu khách hàng mục tiêu, mô hình kinh doanh không độc đáo, thiếu vốn, sản phẩm chưa tốt … hầu như các thống kê và nghiên cứu ở Việt Nam không nhắc đến vấn đề sở hữu trí tuệ, một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sự “đổi mới sáng tạo”, đồng thời tạo ra lợi thế lớn trong cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư. Bởi sở hữu trí tuệ dù không còn là khái niệm mới, nhưng hiểu sâu sắc về sở hữu trí tuệ và tiếp cận nó như một tài sản, một lợi thế trong kinh doanh, là điều không dễ dàng.
Khóa TOT sẽ diễn ra ba ngày từ ngày 24 đến hết ngày 26 tháng 4 năm 2019. Bên cạnh các giảng viên có kiến thức chuyên môn sâu về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ tham gia giảng dạy, khóa đào tạo còn mời những giảng viên là những cá nhân là người ứng dụng linh hoạt và hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong thực tế
Hình ảnh: FIIS – FTU