Hội thảo Sở hữu trí tuệ và xuất khẩu do Trường Đại học Ngoại thương phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức đã diễn ra vào chiều ngày 29/06/2021. Tại buổi hội thảo, các diễn giả là đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, chuyên gia về sở hữu trí tuệ, người đứng đầu một số doanh nghiệp đã chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thực tế và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các doanh nghiệp về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi muốn xuất khẩu hàng hóa.
Xuất phát từ câu hỏi “Sở hữu trí tuệ liên quan gì với doanh nghiệp xuất khẩu?”, PGS.TS Hồ Thúy Ngọc (Trường Đại học Ngoại Thương, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – VIAC) chỉ rõ 3 yếu tố mỗi doanh nghiệp đều mong muốn khi xuất khẩu: thị trường, giá cả và sự tăng trưởng.
Dẫn chứng thực trạng tại thị trường quốc tế, nhiều sản phẩm mang “nhãn hiệu Việt” nhưng lại “made in Thailand”, “made in China” …, điển hình là trường hợp của nước mắm Phú Quốc hay cà phê Buôn Ma Thuật khiến các công ty Việt rất vất vả để giành lại “nhãn hiệu của chính mình” trên thị trường quốc tế, PGS.TS Hồ Thúy Ngọc khẳng định: Sở hữu trí tuệ giúp ích và có vai trò quan trọng trong xuất khẩu.
Từ góc nhìn của cơ quan nhà nước, ông Mai Văn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ tư vấn Cục Sở hữu trí tuệ đã cởi mở chia sẻ và thể hiện mong muốn lắng nghe, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trong xây dựng và phát triển quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Mai Văn Dũng, hàng năm có khoảng 75% nhãn hiệu đăng ký nội địa là của các cá nhân, tổ chức Việt Nam nhưng chỉ có khoảng vài trăm nhãn hiệu Việt đăng ký quốc tế thông qua hệ thống Madrid. Con số khá khiêm tốn này làm đặt ra câu hỏi: Phải chăng Doanh nghiệp Việt chưa tin tưởng vào khả năng xuất khẩu của sản phẩm Việt? hay Doanh nghiệp Việt chưa hiểu về vai trò của Nhãn hiệu sản phẩm nói riêng, sở hữu trí tuệ nói chung trong hoạt động xuất khẩu?
Sáng chế phục vụ con người và phát triển bền vững cho xuất khẩu
TS Lưu Hải Minh – Chủ tịch HĐQT CTCP công nghệ mới Nhật Hải được gọi là Nhà sáng chế bởi Nhật Hải là công ty chuyên nghiên cứu lĩnh vực công nghệ Nano ứng dụng trong Y sinh, nông nghiệp và công nghiệp là chủ sở hữu của 75 nghiên cứu, 50 sáng chế đã nộp (cả ở Việt Nam và Mỹ).
TS Lưu Hải Minh cho biết các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ, y sinh… luôn đầu tư chi phí rất lớn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sáng chế. Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông cũng khẳng định việc được bảo hộ sáng chế giúp nâng cao năng lực xuất khẩu, khả năng cạnh tranh quốc tế của các sản phẩm Việt có hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao, có tiềm năng xuất khẩu.
Câu chuyện của các Doanh nghiệp đi trước
Những ngày gần đây, Thương hiệu cà phê trái cây và chuỗi đồ uống Meet More nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng sau màn gọi vốn táo bạo trên chương trình Shark Tank Việt Nam. Sự tham gia của CEO Thương hiệu Meet More – Ông Phạm Ngọc Luận đã khiến Hội thảo thêm phần thú vị.
Tại buổi hội thảo, ông Luận không ngại ngần chia sẻ về tình huống thực tế của chính doanh nghiệp mình khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc. Sau khi xuất một vài đơn hàng đầu tiên sang thị trường này, công ty ông tiến hành nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu Meet More tại Hàn Quốc thì được Cơ quan Sở hữu trí tuệ sở tại thông báo từ chối do Nhãn hiệu Meet More đã được đăng ký tại nước này. Ông Luận cho biết rất bất ngờ khi người đăng ký nhãn hiệu Meet More lại chính là đối tác phân phối của công ty ông tại Hàn Quốc. Sau đó, công ty ông đã thương thảo thành công với đối tác để có quyền đăng ký nhãn hiệu Meet More tại Hàn Quốc. Các chuyên gia về sở hữu trí tuệ nhận định Meet More đã rất may mắn trong tình huống này khi nhận được sự thiện chí từ phía đối tác để có thể nhanh chóng lấy lại nhãn hiệu của chính mình.
Bà Jessica Quang – Tổng Giám đốc công ty cổ phần ZonBeyond, chuyên gia xuất khẩu trên sàn Amazon cho thấy bản lĩnh và sự chuẩn bị chu đáo của doanh nghiệp trong tình huống tranh chấp thương hiệu thực tế vừa mới xảy ra giữa công ty bà và đối tác. Bà Jessica chia sẻ chính nhờ sự am hiểu thị trường và chuẩn bị chu đáo về pháp lý sở hữu trí tuệ (thông qua đội ngũ chuyên gia tư vấn sở hữu trí tuệ) mà ZonBeyond không phải chịu thua thiệt và đứng thế “cửa trên” trong tranh chấp này.
Những tình huống thực tiễn được nêu tại hội thảo phần nào phản ánh sự thiếu hiểu biết và chưa coi trọng vai trò của sở hữu trí tuệ đối với hoạt động xuất khẩu của một bộ phận doanh nghiệp Việt. Các diễn giả, từ vị trí người đứng đầu doanh nghiệp đi trước và các chuyên gia về sở hữu trí tuệ nhắn nhủ các doanh nghiệp phải tìm hiểu và có hiểu biết cơ bản về pháp luật sở hữu trí tuệ của nước sở tại.
Để thực được điều này, PGS.TS Lê Thị Thu Hà cho rằng đội ngũ pháp chế của các doanh nghiệp phải đưa ra cảnh báo và định hướng cho doanh nghiệp về vấn đề sở hữu trí tuệ khi tiến hành hoạt động xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay các doanh nghiệp không có bộ phận pháp chế am hiểu về sở hữu trí tuệ, bà cho rằng doanh nghiệp nên tìm đến đội ngũ luật sư, chuyên gia sở hữu trí tuệ để được tư vấn, bảo đảm hạn chế thấp nhất các rủi ro về sở hữu trí tuệ khi doanh nghiệp tiến hành hoạt động xuất khẩu.
Chia sẻ sau tình huống của Meet More, Luật sư Phạm Duy Khương khuyến cáo các doanh nghiệp phải đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia tiềm năng trước khi xuất hàng hóa sang thị trường đó.
Từ cương vị người đứng đầu cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, TS Trần Lê Hồng khẳng đinh Sở hữu trí tuệ là vấn đề quan trọng ở mỗi quốc gia, thể hiện ở việc mỗi quốc gia có hệ thống pháp luật điều chỉnh riêng biệt, có nhiều khác biêt giữa các quốc gia. Ông nhấn mạnh các doanh nghiệp cần có hiểu biết cơ bản về pháp luật về pháp luật sở hữu trí tuệ của nước sở tại. TS Trần Lê Hồng cũng cho biết Nhà nước đang tích cực phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở quy mô vĩ mô thông qua việc gia nhập thêm các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ… Bên cạnh đó, Cục sở hữu trí tuệ với vai trò cơ quan chủ quản đã, đang và luôn nỗ lực trong công tác phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ, nâng cao khả năng hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trong việc đăng ký, giải quyết các vấn đề sở hữu trí tuệ…
Trả lời cho câu hỏi “Có phải đăng ký nhãn hiệu thành công tại nước xuất khẩu là an toàn?”, các diễn giả cho biết đăng ký thành công nhãn hiệu tại nước xuất khẩu không đồng nghĩa với sự an toàn tuyệt đối. Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn có thể xảy ra. Do đó, đỏi hỏi các doanh nghiệp phải có kế hoạch hành động và quản trị quyền sở hữu trí tuệ sau khi hàng hóa đã được xuất khẩu.
Trong khi dịch bệnh Covid vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới bị đứt gãy, giao thương quốc tế đang bị hạn chế, đây là thời điểm rất thích hợp để các doanh nghiệp soi lại chiến lược kinh doanh tại các thị trường nước ngoài, trong đó có việc giám sát quyền sở hữu trí tuệ của mình, đảm bảo cho việc xuất khẩu hàng hóa an toàn, không gặp kiện tụng về sở hữu trí tuệ, cũng là bảo vệ cho việc hoạt động kinh doanh tại của doanh nghiệp tại nước xuất khẩu.