Điện thoại thông minh đã tạo ra một cuộc cách mạng về sự tương tác giữa người tiêu dùng và các thương hiệu. Các biểu tượng ứng dụng đang đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp phân biệt các ứng dụng với một lượng lớn các đối thủ cạnh tranh thường xuyên và nhanh chóng. Các biểu tượng này có thể được coi là một dạng nhãn hiệu mới và cần được xem xét tương tự như một nhãn hiệu thông thường. Các nguyên tắc sau đây sẽ giúp các công ty từ khởi nghiệp đến các công ty đa quốc gia tối ưu hóa thiết kế và bảo vệ ứng dụng – điều kiện tiên quyết cho những thương hiệu mạnh.
1. Lựa chọn một dấu hiệu đặc biệt
Các nhãn hiệu hợp lệ cần phải có sự khác biệt để thực hiện chức năng nhận diện thương mại. Do đó, hình ảnh đồ họa quá đơn giản hoặc trừu tượng sẽ không phù hợp với tư cách là một nhãn hiệu và có thể bị Cơ quan đăng ký nhãn hiệu từ chối do không có khả năng phân biệt.
2. Đừng thiết kế biểu tượng mô tả dịch vụ cung cấp: Hãy sáng tạo
Một biểu tượng chứa các yếu tố mô tả các hoạt động của công ty hoặc nói cách khác là trực quan chung chung, không thể giúp phân biệt chính nó với các đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực. Do đó, nó cũng không phù hợp để sử dụng như một nhãn hiệu, hoặc nếu được sử dụng cũng sẽ rất khó bảo vệ trước các hành vi xâm phạm.
Nguyên tắc này có vẻ phản trực quan, vì nhiều nhà tiếp thị coi các yếu tố mô tả là dấu hiệu để dẫn dắt và thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngoài vấn đề về tính phân biệt nêu trên, lý do để loại trừ các yếu tố như vậy là việc đăng ký nhãn hiệu sẽ mang lại “sự độc quyền phi lý” cho một người trên thị trường. Điều đó không có nghĩa là các biểu tượng mang tính mô tả hoàn toàn không thể được sử dụng một như nhãn hiệu, như đã được chứng minh bằng thực tế là hầu hết mọi người sẽ nhận ra biểu tượng cho WhatsApp ở trên. Tuy nhiên, đó là do việc nhãn hiệu WhatsApp đã được sử dụng rộng rãi và có được sự nổi tiếng trên toàn cầu, điều may mắn mà chỉ một số ít công ty có được. Như vậy, tại sao lại phải tạo ra cái bất lợi ngay từ đầu? Các nhãn hiệu mạnh nhất vẫn là logo nguyên gốc mà không liên quan đến các dịch vụ được cung cấp.
3. Sử dụng màu sắc đặc biệt
Màu sắc là yếu tố nhận dạng mạnh mẽ và có thể góp phần đáng kể vào sức mạnh của nhãn hiệu. Để trở nên nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh, hãy lựa chọn một cách sáng tạo một hoặc nhiều màu như một phần của nhãn hiệu.
Một số màu nhất định đã trở thành màu đặc trưng cho các lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như màu xanh lá cây cho các ứng dụng liên lạc và màu vàng cho các ứng dụng taxi. Tránh xa sự lựa chọn của số đông sẽ đảm bảo tính khác biệt được nâng cao từ đó tăng cường thêm sức mạnh của nhãn hiệu.
4. Đừng rơi vào bẫy chữ cái đầu
Giới hạn về kích thước là một sự ràng buộc đối với việc thiết kế biểu tượng. Trong khi đó, tên thương hiệu thường quá dài để đưa vào một biểu tượng. Một giải pháp phổ biến là sử dụng “chữ cái đầu tiên” của tên thương hiệu trong một phông đặc biệt hoặc cách điệu lên. Mặc dù có thể coi đây là một giải pháp dễ hiểu đối với các thương hiệu đã có mức độ nhận biết cao từ trước, nhưng xét từ góc độ pháp lý thì đây là một chiến lược tồi. Dù một thương hiệu đã được bảo hộ, thì nó cũng không bảo hộ cho tên viết tắt của thương hiệu đó. Cơ quan đăng ký ở nhiều quốc gia đã từ chối đăng ký nhãn hiệu dưới dạng các chữ cái đơn lẻ. Ngay cả khi “nhãn hiệu chỉ chứa chữ cái đầu tiên” của bạn được chấp nhận bảo hộ, bạn sẽ không thể tránh việc một ứng dụng khác sử dụng cùng một chữ cái đó. Trên thực tế, rất có thể trong số hàng triệu ứng dụng hiện có, nhiều ứng dụng đã ghi trước tên viết tắt của bạn!
Các thương hiệu có tên ngắn hoặc viết tắt nhiều chữ cái có thể yên tâm chọn chúng làm biểu tượng. Phông chữ đặc biệt hoặc thiết kế cách điệu sẽ tăng cường sức mạnh của nhãn hiệu
5. Sử dụng logo công ty hiện có của bạn (nếu phù hợp)
Trong thời gian gần đây, nhiều công ty đã phát triển thương hiệu cho lĩnh vực thương mại điện tử một cách độc lập để nhấn mạnh bước tiến vào lĩnh vực “kỹ thuật số”. Rõ ràng, cách tiếp cận này không hề lý tưởng để gắn kết thương hiệu và có thể đã trở nên lỗi thời theo quan điểm của các chiến lược đa kênh, vẫn luôn tìm cách kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến trong một trải nghiệm khách hàng đồng nhất. Tại sao không lựa chọn logo công ty và sử dụng nó làm biểu tượng ứng dụng? Nó cho phép bạn tận dụng danh tiếng đã tích lũy, củng cố các quyền sở hữu trí tuệ hiện có trên toàn cầu và không cần nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mới.
6. Thận trọng với các quyền trước đó
Để một logo mới có thể trở thành nhãn hiệu, cần phải đảm bảo không tồn tại quyền nào trước đó đối với logo này vì chúng có thể gây nên cản trở cho việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu. Tìm kiếm tính khả dụng của logo sẽ tiết lộ bất cứ nhãn hiệu bên thứ ba nào có thể gây rủi ro pháp lý cho logo bạn dẫn tới những thay đổi tốn kém sau này. Tuy nhiên, bạn cũng nên kiểm tra thêm các vấn đề về sở hữu trí tuệ khác như: các dấu hiệu chính thức thường được quy định (chẳng hạn như quốc kì của các quốc gia, biểu tượng chữ thập đỏ, …) hay những biểu tượng phổ biến đã từng được thiết kế bởi người khác và người đó vẫn còn quyền đối với chúng. Nếu cảm thấy điều này phức tạp, hãy nhìn nhận theo cách này: nếu bạn muốn độc quyền, bạn phải là người đầu tiên. Đó là cách mà sở hữu trí tuệ hoạt động!
7. Sở hữu quyền với thiết kế của bạn
Cũng giống như nguyên tắc 6, bạn cũng cần đảm bảo rằng mình sở hữu quyền đối với logo riêng của bạn. Nhiều khi, logo của công ty bạn được thiết kế bởi người thầu, nhân viên hoặc thậm chí là một người bạn, cho nên để tránh các mâu thuẫn phát sinh sau này, bản quyền và quyền thiết kế liên quan đều nên được chuyển giao chính thức. Một lời khuyên cho các thiên thần kinh doanh và các nhà đầu tư: hãy đảm bảo rằng nhà sáng lập ứng dụng đã chuyển giao quyền sáng tạo cho công ty của bạn!
8. Đăng ký
Thật ngạc nhiên là rất ít các chủ sở sở hữu ứng dụng đăng ký nhãn hiệu cho biểu tượng ứng dụng của họ. Cho dù điều này là do thiếu hiểu biết, do quên hay do nhận định sai lầm chỉ tên công ty là đủ thì chỉ những đăng ký cho biểu tượng thực tế mới đảm bảo tính độc quyền và được bảo vệ. Dĩ nhiên là việc đăng ký sẽ phải kèm theo một khoản chi phí nhất định và các công ty startups thường chỉ có nguồn ngân sách hạn hẹp. Nhưng trong thời đại công nghệ số, quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu thường đại diện cho tài sản chính của công ty. Việc đăng ký bảo hộ cho chúng là một khoản đáng để đầu tư.
9. Gắn bó với thiết kế
Các nhãn hiệu vẫn còn giá trị nếu chúng được sử dụng như đã đăng ký. Do đó, thay đổi thiết kế của biểu tượng ứng dụng mà bạn đã đăng ký có thể khiến bạn mất quyền đối với nó. Vì thế, bạn nên gắn bó với biểu tượng ứng dụng của mình giống như cách mà các công ty vẫn luôn trung thành với logo thương hiệu của họ (Giờ thì bạn đã hiểu tại sao logo các công ty ít khi thay đổi!). Nếu bạn muốn tự do làm mới màu sắc theo thời gian, hãy đặt biểu tượng bằng màu trắng đen, bởi theo hầu hết các quy định pháp lý điều này sẽ tự động bao gồm tất cả màu. (Lưu ý: Điều này sẽ làm cho các màu ứng dụng đặc biệt không hoạt động được, xem lại nguyên tắc 3). Nếu bạn thực sự muốn thay đổi thiết kế ứng dụng của mình, hãy đăng ký nhãn hiệu mới cho nó để đảm bảo rằng nó được bảo vệ.
10. Dự đoán thay đổi của công nghệ
Có vẻ hợp lý khi để biểu tượng ứng dụng theo hình dạng rất điển hình với các ứng dụng hiện nay: hình vuông với các góc bo tròn. Nhưng đừng quên rằng hình dạng này chỉ đơn giản là kết quả của các thiết kế đồ họa do iOS, Android và các nền tảng khác thiết lập. Nếu một ngày chúng thay đổi thì sao? Nó có thế sửa đổi việc sử dụng biểu tượng của bạn, từ đó ảnh hưởng đến tính hợp lệ của tính nhãn hiệu của bạn (xem nguyên tắc trước). Các hậu quả tương tự cũng có thể tưởng tượng được khi các loại giao diện khác trở nên phổ biến. Để đảm bảo biểu tượng của bạn trụ vững theo thời gian, bạn nên để nó theo một hình thức trung lập về công nghệ, ví dụ như ở dạng thông thường (hình vuông) và không tuyên bố sử dụng như một “ứng dụng điện thoại thông minh” trong phần mô tả.
“Nếu bạn muốn độc quyền, bạn phải là người đầu tiên. Đó là cách mà sở hữu trí tuệ hoạt động!”
Kết luận lại, hãy nhìn thoáng qua về tương lai gần: các biểu tượng chuyển động của ứng dụng có thể xuất hiện sớm hơn bạn mong đợi. Và điều đó sẽ làm cho chiến lược quyền sở hữu trí tuệ thậm chí còn phù hợp hơn.
Nguồn: WIPO