Thái Nguyên được coi là một trong những địa phương cung cấp chè nổi tiếng toàn quốc, và đặc biệt nổi tiếng với chè Tân Cương. Ngoài Tân Cương, Thái Nguyên còn rất nhiều vùng, làng nghề nơi những người dân sống và gắn bó với nghề trồng chè. Thị trấn Sông Cầu nằm ở phía Bắc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên là vùng đất đã được nghiên cứu khảo nghiệm kỹ về thổ nhưỡng phù hợp phát triển nghề trồng cây chè. Thị trấn hiện nay đã có đến 4 làng nghề trồng chè truyền thống với hơn 50ha quy hoạch trồng chè. Hợp tác xã chè Thịnh An là một trong những đơn vị tập hợp được nhiều hộ dân trồng và sản xuất chè nhất thị trấn, quy tụ hơn 200 hộ. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm chưa tương xứng với sản lượng sản xuất hàng năm dẫn đến việc sản phẩm vẫn bị tư thương ép giá, thương hiệu chưa tạo được độ phủ trên thị trường, sản phẩm chè sản xuất tại thị trấn Sông Cầu dù đặc sắc nhưng chưa đủ làm giàu cho một bộ phận người dân nơi đây.
Để giúp người dân phát triển thương hiệu chè gắn với tài sản trí tuệ địa phương, Hành trình Sáng tạo Xanh (Green Innovation Tour – GI Tour) lần thứ tư đã lựa chọn thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên làm điểm đến. Chương trình đã kết nối người sản xuất, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương để tìm lối đi cho sản phẩm, rút ngắn hơn con đường phát triển sản phẩm, nâng cao đờisống cho người dân trồng chè.
Cũng tại chương trình, Hội thảo “Phát triển thương hiệu chè Thịnh An” đã được tổ chức với sự tham gia gần 200 hộ sản xuất chè thuộc hợp tác xã để. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tham mưu cho địa phương cách thức xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm chè kết hợp với sản xuất sản phẩm.. Khát khao cho phát triển cây chè, bà Vũ Thị Thương Huyền – đại diện Hợp tác xã chè Thịnh An mong rằng các chuyên gia đồng hành với sự phát triển của địa phương, góp phần thay đổi diện mạo của vùng đất nghèo gắn liền với nghề trồng chè, phát huy thế mạnh nông nghiệp của địa phương từ cây chè, nâng cao thu nhập cho người nông dân và phát triển sản xuất, du lịch theo hướng bền vững. Hội thảo cũng nhằm hướng đến cung cấp kiến thức cho cán bộ cũng như các hộ trồng chè địa phương kiến thức về việc phát triển thương hiệu chè Thịnh An gắn với tài sản trí tuệ địa phương, kiểm soát chất lượng sản phẩm để đảm bảo danh tiếng phục vụ cho việc phát triển thương hiệu bền vững.
Cũng tại hội thảo, hơn 200 hộ gia đình trồng chè cũng đã có cơ hội trao đổi với các chuyên gia về việc đánh giá đúng thực trạng tình hình sản xuất, chế biến chè, chất lượng tiêu thụ cũng như đề xuất giải pháp đồng bộ, toàn diện và khả thi nhằm phát triển thương hiệu, khôi phục và nâng cao uy tín sản phẩm chè xanh trong thời gian tới.
—————-
Pro bono publico hay pro bono nghĩa là “vì lợi ích của người dân” là hoạt động của những chuyên gia tự nguyện hỗ trợ tư vấn không lương (hoặc lấy mức phí tượng trưng) cho những ai có nhu cầu học tập, tìm hiểu về lĩnh vực đó trong một khoảng thời gian nhất định. Ban đầu, hoạt động này chỉ phổ biến trong giới luật sư nhằm hỗ trợ những người nghèo nhưng sau đó dần được hưởng ứng, lan rộng ra ở mọi lĩnh vực và ở nhiều quốc gia. Trên tinh thần pro bono, từ 2013, GI Tour (Green Innovation Tour – Hành trình Sáng tạo Xanh) là hoạt động cộng đồng của CLB Sở hữu trí tuệ Trường Đại học Ngoại thương với mục tiêu liên kết các bên (chính quyền, nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, nhà đầu tư, đơn vị sản xuất) nhằm hỗ trợ địa phương phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu bền vững, đặc biệt là thương hiệu dành cho các đặc sản vùng miền. GI Tour là cơ hội gắn kết giữa chuyên gia – doanh nghiệp đầu tư (doanh nghiệp đồng hành) – cơ quan quản lý – sinh viên (thế hệ trẻ). Sau GITour, các bạn sinh viên tiếp tục lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm để chia sẻ cho cộng đồng địa phương nơi mình sinh sống.
Khánh Ly
Ảnh: CLB Sở hữu trí tuệ trường Đại học Ngoại thương