- Doraemon-chú mèo máy “dự đoán tương lai”

Tác giả bộ truyện Doraemon-Fujiko F. Fujio được mệnh danh là “người vẽ nên giấc mơ cho trẻ em” bởi ông để lại cho nhân loại kho tàng truyện tranh quý báu, đặc biệt là serie về chú mèo máy đến từ tương lai Doraemon.
Doraemon ra mắt lần đầu tiên vào tháng 12/1969. Nhân vật Doraemon được tác giả lấy ý tưởng từ hình ảnh con lật đật – món đồ chơi yêu thích của cô con gái nhỏ. Những câu chuyện về chú mèo máy đến từ tương lai và cậu bé Nobita hậu đậu cứ kéo dài mãi không có hồi kết, nối liền giấc mộng trẻ em của bao thế hệ.
Các câu chuyện của Doraemon thường được tác giả lồng ghép các bài học giáo dục nhẹ nhàng dành cho trẻ em như các bài học về tình yêu thương, về lòng dũng cảm, về tính trung thực,…
Tuy vậy, điều làm cho nhân vật Doraemon trở nên đặc biệt đó chính là các “bảo bối thần kì” mà chú mèo này đem đến từ tương lai. Cậu bé hậu đậu Nobita thường xuyên gặp phải các tình huống dở khóc dở cười trong cuộc sống của mình, và người đi cứu trợ cho cậu bé không ai khác chính là Doraemon cùng với các bảo bối thú vị của mình. Nếu là fan của Doraemon, chắc chắn chúng ta không hề xa lạ với các thiết bị cỗ máy thời gian, chong chóng tre, bánh mì chuyển ngữ,…
Và ngày nay, chắc hẳn nhiều người lớn chúng ta đã giật mình vì những bảo bối tưởng chừng như chỉ có trong truyện tranh đó đang dần dần xuất hiện. Bánh mì chuyển ngữ chính là Google dịch, thiết bị định vị giúp Nobita chạy trốn chính là máy GPS ngày nay, máy tạo môi trường không trọng lực, gương nịnh hót chính là phần mềm chụp ảnh 306 độ, …
Nhân vật Doraemon của Fujiko F. Fujio là Đại sứ hoạt hình của Nhật Bản. Năm 2002, Doraemon được chọn vào danh sách “22 anh hùng châu Á” của tạp chí Time Asia. Nhật bản còn cho xây dựng Bảo tàng Fujio F. Fujio vào ngày 03/9/2011 tại quận Tama, thành phố Kawasaki (ngoại ô Thủ đô Tokyo) có khuôn viên rộng 3.700 m2, tái hiện lại những không gian, vật dụng, nhân vật quen thuộc trong câu chuyện chú mèo máy nổi tiếng, trưng bày 50.000 tác phẩm tranh gốc của Fujimoto Hiroshi.
- Tom and Jerry-các tình tiết mang tính bạo lực kì lạ

Cha đẻ của “Tom and Jerry” là Joseph Barbera và William Hanna bị chỉ trích rất nhiều khi có ý tưởng làm phim về cuộc rượt đuổi giữa 2 nhân vật. “Nhưng tôi nhận ra rằng ở bất cứ đất nước nào bạn cũng sẽ không cần phải đối thoại để hiểu được cốt truyện. Tất cả điều bạn cần là một con mèo và một con chuột” Barbera nói.
Và điều kì diệu đã đến với “Tom and Jerry”, phim hoạt hình điện ảnh Tom và Jerry đã giành bảy giải Oscar cho MGM-nhiều hơn các đối thủ lớn như Disney hay Warner Brothers. Các tình tiết của họ mang tính “bạo lực kì lạ”, Tom sử dụng tất cả mọi thứ từ khẩu súng, rìu, chất độc và thuốc nổ để giết Jerry, ngược lại Jerry trả thù bằng cách đặt đuôi của Tom trong một bánh sắt.
Chủ tịch Warner Brothers – Barry Meyer nói về Barbera và Hanna: “Các nhân vật họ đã tạo ra không chỉ là các siêu sao phim hoạt hình, mà còn là một phần rất được yêu quý của nền văn hóa pop tại Mỹ.”
- Thỏ và Sói trong phim Hãy đợi đấy-tuổi thơ của các bậc phụ huynh

Cũng giống như Tom and Jerry, Hãy đợi đấy là mộ bộ phim về cuộc rượt đuổi giữa 2 nhân vật thỏ và sói-2 nhân vật đại diện cho cái thiện và ác trong xã hội Liên Xô ngày trước. Hãy đợi đấy! lần đầu tiên được ra mắt công chúng vào ngày đầu năm mới 01/01/1969 như đánh dấu sự ra đời của một series hoạt hình mang sứ mạng ‘đối trọng’ với đế chế hoạt hình Walt Disney của phương Tây.
Sói ban đầu được miêu tả như là một kẻ côn đồ, một kẻ nghiện thuốc lá nặng và là một kẻ phá hoại (chẳng hạn phá hoại một cách có chủ định các đồ vật triển lãm trong viện bảo tàng), bắt nạt những ai yếu đuối hơn và vi phạm luật pháp. Còn Thỏ được miêu tả là một nhân vật tích cực. Nó chiếm ít thời gian của bộ phim và ít được phát triển hơn Sói, phần lớn các hành động của nó đơn giản chỉ là các phản ứng trước các âm hưu và hành động xấu của Sói.
Câu nói của Sói mỗi khi để Thỏ chạy mất “Nu, pogodi” là một kí ức không thể quên đối với khán giả của bộ phim này.
Phương Thảo (tổng hợp)