Tại hội thảo “Quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số” do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp tổ chức vào cuối tuần qua, nhiều chuyên gia nhận định dù Việt Nam đã sở hữu một khung pháp lý cơ bản, có chiến lược quốc gia phát triển quyền sở hữu trí tuệ song việc thực thi pháp luật về bản quyền vẫn chưa mạnh mẽ, còn nhiều lỗ hổng.
“Tẩy chay” các chương trình, trang web ăn cắp bản quyền khỏi môi trường Internet là một trong những giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị áp dụng tại Việt Nam.
Thực thi pháp luật còn rất nhiều kẽ hở
Theo ông Nguyễn Thanh Vân (Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam) thì ý thức bản quyền tại Việt Nam cần có thời gian để nâng lên nhưng điều đáng lưu tâm là khả năng thực thi các quy định về bản quyền trong thực tế như thế nào.
Nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong nước và quốc tế trong thời gian qua, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm
Bà Louise Holmsgaard, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần tiếp tục tham khảo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế nhằm khỏa lấp những “khoảng trống” về thực thi pháp luật, đồng thời đưa ra khuyến nghị nhằm khắc phục những thách thức đang đặt ra về bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số.
Về những thiệt hại khó đo đếm vì bị xâm phạm bản quyền trên môi trường số, đã có hàng ngàn chương trình do VTV sản xuất đã bị nhiều đơn vị truyền thông, các trang web vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Rất nhiều doanh nghiệp tự ý thu phát lại các chương trình ăn khách của VTV dưới hình thức online hoặc phát lại, đồng thời chèn quảng cáo để thu lợi bất chính. Đại diện VTV cũng nhấn mạnh, nhiều chương trình khác do VTV sản xuất đã bị xâm phạm nghiêm trọng trên nền tảng số.
Gần đây nhất là WorldCup 2018, khi VTV phải rất khó khăn mới mua được bản quyền thì chỉ ngay sau khi phát sóng được hai ngày thì đã phát hiện 700 tài khoản vi phạm, trong khi việc xử lý và hạ trang vi phạm cũng chỉ đạt 300/700 tài khoản.
Tăng cường các biện pháp kỹ thuật bảo vệ bản quyền
Chuyên gia Đan Mạch Henrik Schutze lưu ý, những xâm phạm bản quyền trên môi trường số ngày càng phức tạp, thậm chí có nhiều vụ việc còn không phân định rõ được rằng đó có là vi phạm quyền tác giả hay không.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, tại Việt Nam hiện nay không có quy định nào về việc chặn các IP vi phạm bản quyền. Hoạt động thu tên miền tuy có quy định nhưng cũng không hiệu quả. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng với sự gia tăng sử dụng Internet như Việt Nam hiện nay thì việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ bản quyền trên Internet vẫn đang là biện pháp cần được ưu tiên thực hiện ngay.
Các chuyên gia khuyến nghị một số biện pháp đã được áp dụng thành công phổ biến trên thế giới như: Cắt dòng thu nhập từ ăn cắp bản quyền; loại bỏ chương trình, trang web ăn cắp bản quyền ra khỏi Internet; lập báo cáo và quy trình xử lý người có lỗi nhiều lần để xác định hiện trạng vi phạm của người sử dụng; chặn website ăn cắp từ nước ngoài…
Tồng hợp: Cù Thị Lan Anh
Nguồn: baovanhoa.vn
Nguồn hình ảnh: Artificial intelligence