Vừa qua, trong nước xuất hiện những vụ gian lận, lừa dối khách hàng đến từ những chuỗi cửa hàng uy tín mà gần đây nhất là chuỗi cửa hàng của công ty cổ phần Con Cưng khi khách hàng phát hiện ra những sản phẩm của công ty này bị cắt mác.
Chi cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra chuỗi cửa hàng của Con Cưng và phát hiện ra nhiều sai phạm.
Thứ nhất, về việc dán chồng nhãn mác, cụ thể là dòng Mỹ phẩm mang nhãn mác “Sản xuất bởi công ty TNHH G&C” bị dán chồng bởi nhãn “Sản xuất bởi Công ty TNHH Mỹ phẩm TiTiOne”. Tuy nhiên qua kiểm tra phát hiện 2 công ty có chung một mã số thuế, không loại trừ khả năng công ty này đã đổi tên sau khi sản xuất lô sản phẩm này.
Thứ hai, hàng hóa do Con Cưng kinh doanh có phải hàng giả hay không? Qua báo cáo kiểm tra nhanh thì Con Cưng đúng là có tình trạng vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và thiếu tài liệu chứng cứ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Nhưng các bằng chứng chỉ nói lên sự vi phạm trong việc ghi nhãn hàng hóa mà chưa kết luận được về việc kinh doanh hàng giả.
Thứ đến là việc sản phẩm bị cắt mác, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ, thế nhưng cắt mác để thay đổi thông tin, nguồn gốc sản phẩm hay đơn thuần chỉ do yếu tố kĩ thuật cũng cần phải xem xét và làm sáng tỏ.
Gần đây, Con Cưng đã đưa ra một số giấy tờ nhằm giải quyết những vấn đề mà các cơ quan thẩm định cũng như người tiêu dùng đang hoài nghi. Cụ thể, về vấn đề dán chồng nhãn mác, Con Cưng đưa ra giấy xác nhận đổi tên của công ty TNHH G&C thành Công ty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne. Qua kiểm tra, 2 công ty này có cùng địa chỉ trụ sở, cùng có một mã số thuế giống nhau. “Việc dán nhãn sản phẩm được thực hiện bởi nhà cung cấp, bao gồm cả trường hợp dán nhãn theo tên của pháp nhân mới (Công ty TNHH Mỹ phẩm TiTiOne) chèn lên nhãn theo tên của pháp nhân cũ (Công ty TNHH G&C)”, Con Cưng thông báo.
Cùng với đó, về vụ việc cắt mác bộ quần áo của bé gái, phía đối tác bên Thái Lan WWW International Incorporated (Thailand) Co. đã đưa ra thông báo xác nhận việc một số nhãn mác của lô hàng bị lỗi, bên phía Con Cưng đã yêu cầu nhà sản xuất phải sửa lại theo yêu cầu của công ty nên mới có việc mác bị cắt. Về việc hàng nghìn sản phẩm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, phía bên Con Cưng cho biết mỗi lô hàng chỉ có một bộ chứng từ nguồn gốc nên không thể đưa ra khi kiểm tra đồng loạt. Con Cưng cũng đã xin phép được giải trình hồ sơ tại 1 đầu mối và được chấp thuận.
Với những động thái trên, Con Cưng đang cho thấy nỗ lực "giữ hình ảnh tốt đẹp trong mắt các thượng đế”. Dẫu vậy, với những lùm xùm vừa vướng phải, chắc chắn Con Cưng còn phải mất một thời gian dài nữa, nhưng có thật sự lấy lại được sự tin tưởng của khách hàng hay không thì bản thân Con Cưng cũng khó có thể trả lời được câu hỏi này.
Đặng Công Vũ